aqaqaqaqaq

aqaqaqaqaq
Là nơi lưu dấu với đời !

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Lo xa !

Này, này đừng đụng tới laptop của tao ! ...Mà mày đang làm trò gì đó ?
...
Đồ khỉ gió, tao đang hỏi mày !
Dạ... dạ con đang... đọc thánh hiền.
Đọc thánh hiền mà sao cười mỉa mai thế ?
Không như ông, họ xem thường cái giống tụi con quá !
Chỗ nào ?
Trong 'Sáng bốn chiều ba' đó ông !
Thì tụi bây chỉ biết chuyện trước mắt thôi, không đúng ư ?
Ông cũng đâu có lo xa hơn đâu?
...
...!
Không lo xa mà giờ mày ngồi đọc thánh hiền được à ! Không lo xa mà vài hôm nữa tao được mời tới tận Tân Gia Ba để dự Đại hội các Gánh xiếc khu vực và còn đọc diễn văn mở đầu nữa à !
Thế hở ông ? Con chúc mừng ông !
Chúc mừng cái con khỉ !
Sao vậy ông ? Con mừng thực mà ! Ông nổi tiếng thì con cũng được no.
Mày lúc nào cũng chỉ biết có ăn thôi.
...!
...
Sắp đi, vinh hạnh thế mà sao trông ông lo lung quá vậy ?
Vinh với hạnh cái con... thôi im đi để tao yên.
...!
Không lo sao được, các gánh kia muốn mình ló cái đuôi ham ăn nhưng dốt nhược và hèn đây mà ! Không lo sao được ?... Lâu nay mình chỉ giỏi lếu láo với con khỉ gió kia thôi, thỉnh thoảng láo với nội bộ Gánh nữa là hết! Nay mai ra giữa bá quan văn võ làm sao đây ? Lếu láo thì họ không coi ra già và cười vào mũi, thật thì không đường về là cái chắc! ... Híc, làm sao đây ?...
Mà ông ơi ?
Im đi !
Đến khi ông về mình sẽ được diễn hoành tráng hơn phải không ông ?
Tao bảo im !
Con đang lo xa mà ông !
Im !
Khẹc! Khec!

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Tầm tầm !




    Hút xong điếu thuốc nhắm búng cái đót qua khung cửa sổ, đót lại trúng ngay chấn song lóe chùm lửa đỏ bật ngay lại nền nhà ! 
    Nhặt, về vị trí cũ nhưng lần này nhắm ngay một chấn song và búng, cái đót lọt êm ra ngoài. Hehe !
    ...
   Đã bao lần rồi, cứ muốn quăng cái gì qua khung cửa thì y như rằng nó vướng ngay chấn song nhưng nếu cứ nhắm ngay chấn song mà ném thì nó lại lọt gọn ra ngoài. Híc híc!

    1. Nghe ông bà bảo ai có con mà biết trước cái số nó khó nuôi thì phải đặt cho nó cái tên thật xấu như Lượm, Cu, Hĩm... thậm chí còn bắt nó kêu cha là cậu, mẹ là mợ thì may ra mới nuôi đặn !

    2. Nhớ thời còn trai trẻ hễ yêu mê mệt cô nào thì y như rằng người ta lơ là, xem như không có ta tồn tại trên đời ! Những cô ta không yêu thích thì lại luôn lượn lờ trêu ngươi ! Híc !

    3. Thường giới tu hành, vô tâm lại có cơ đạt đạo hơn hữu trí

     'Bất chiến tự nhiên thành' chăng ?
     ...
     Đường đời thật lắm lúc 'chăm chăm ruộng lúa lại đặn nương ngô'.
     Tình trường cũng lắm khi 'tình chị mà lại duyên em !'
    Thế giới hiện nay không hiếm những đất nước luôn hô hào xây dựng một thiên đường trần thế rồi hướng cả dân tộc dốc sức nhưng đường đi như ngày càng thêm thăm thẳm !
     ...
     Biết sao được bạn nhỉ? 
     'Thánh nhân vẫn hay đãi khù khờ' mà khôn quá chi ta?
     ...
     Hãy cứ đặt cái đích sao cho vừa tầm tay vói, mỗi ngày ta cứ đạt đến một cái đích tầm tầm gần gần mà thôi!
     ...
      Hãy cứ như họ Trịnh từng ngân nga:
            'Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
             Chọn những bông hoa và những nụ cười
             Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy
             Để mắt em cười tựa lá bay
                                                    ...'





Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Xóa !

Ông ơi !
...
Ơi ! Ông ơi !
Gì nữa ?
Sao mấy hôm nay ông bần thần thế ?
...
Van mày, để tau yên được không ?
..!
...
Ông ơi !
...
Con hỏi ông một câu nữa thôi, ông ơi !
Mày nói thế bao nhiêu lần rồi ?
Con không nhớ nhưng... số lần hỏi có quan trọng bằng hỏi cái gì đâu hở ông ?
Vậy ra hỏi cái gì mới là quan trọng ư ?
Chính ông bảo con thế mà, ông quên rồi sao ?
!!!
...
Mà... mày tính hỏi gì?
Mấy hôm nay sao ông ít ngủ thế ?... hình như gánh của mình sắp dẹp rồi phải không ?  Con và ông vẫn diễn tốt kia mà !
Nhưng diễn hoài một vở người ta chán ! Nhàm và chán thế đấy !
...
...
Thế mình phải đổi mới hở ông ?
Mày có biết đổi mới không ?
Dạo này con hay nghe người ta nói muốn sống còn thì phải đổi mới, nhưng đổi mới là cái gì vậy ông ?
Thôi, đừng quấy nữa để tau tính !
Ông tính sao để con còn được diễn tiếp ông nhé, về lại rừng thẳm là con chết chắc! 
Đồ mất gốc !
Chính ông bắt con về đây mà, trước đây con có muốn ở đây và làm việc này đâu !
Lại đổ tội cho tau đấy ư !
Nói lên sự thật là đổ tội hở ông ?
!!!
...
Dẹp, xóa... xóa hết ! Làm lại... làm lại từ đầu thôi !
 Dẹp, xóa hết rồi lại diễn tiếp hở ông ? 
Ai bảo ?
Khẹt,  khẹt !

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Thú đau thương !



Đọc 'cánh diều tuổi thơ' của giaolang bỗng cả một ký ức tuổi thơ mê diều ùa về :

1. Không biết từ bao giờ, có lẽ từ lúc vài ba tuổi, lúc biết ngạc nhiên với mọi sự vật chung quanh, Aqa mê bầu trời lộng gió, mê cả ngày lẫn đêm. 
    Ban ngày thường ra sau hè, kiếm bóng mát, nằm ngữa ngắm bầu trời xanh thẳm với những cụm mây trắng, khi nhanh khi chậm, biến ảo khôn lường mà tưởng tượng ra đủ loại hình thú, ma quỷ... khi một con lúc cả bầy, lúc thật giống khi mang mang !
    Đêm đêm ra sân trước, trên xích đu, ngữa mặt ngắm trăng sao không biết chán là gì ! 
    Còn nhớ như in: Có hôm ở sân trước  thấy trăng ngay giữa trời bỗng thắc mắc 'Không biết sau hè có  trăng không?', luồng ra hè 'Ừ có !', lại  tiếp 'Không biết nó có phải là trăng trước sân không?', nhìn nhớ đặc điểm rồi lại ra đằng trước 'Giống y! Vậy chỉ là một!... mà sao nó 'đi' nhanh quá vậy?' liền chạy thật lẹ ra sau 'nó đã ra trước!', chạy nhanh hơn tới trước 'Vẫn thế ! Nó tới trước.' chạy nhanh bao nhiêu nó cũng luôn nhanh hơn. 'Mình không thể chạy nhanh hơn trăng được !'. Híc!

2. Từ mê bầu trời chuyển dần sang mê những thứ bay cao được trên trời như chim, tàu bay... và ước sao mình cũng bay được như thế. 
    ...
    Đến khi nhà chuyển ra Cố Đô, mới biết thêm 'loài diều' cũng bay cao được mà quan trọng là ta có thể tự làm, bèn chuyển ngay sang mê diều ! 
    Tò mò tìm hiểu và dần trở thành một anh thợ diều của xóm ! 
    Không có loại gì không làm được, từ có đuôi đến không đuôi... ó, bướm, quạ, công cho tới rít... rồi  tàu bay đến tàu thủy. 
    Làu làu loại nào cần phải cước lớn, loại nào hợp với lèo đôi...
    Làm diều xong lại thả diều, thả diều làm diều mê mệt, không biết chán là gì! 
    Ngày càng điêu luyện, khi thả một con lúc thả cả bầy... danh lừng nức xóm ! He he...!

3. Chính phủ (ông già) thấy có thần dân khéo tay cũng khoái chí, thỉnh thoảng ra xem nó trình diễn một cách hãnh diện với xóm phường! 
    Đến hôm (híc!) phải ký xác nhận lên Thành tích biểu (xách đèn đỏ) của nó thì sự hãnh diện đó chuyển ngay thành một trận đòn long trời lở đất và đau đớn đi kèm là bầy diều xếp hàng vào lò thiêu. (Cảnh tượng y như dân Do Thái trong nạn  diệt chủng!)
    Và nghị quyết được ban hành ngay sau đó:
    'Cấm tiệt! 
    Từ nay cấm tiệt, tau mà thấy một con diều trong nhà ni nữa thì mi chết với tau! 
    Đi làm về mà không thấy mi ở nhà cũng chết với tau luôn! 
    Không diều diếc bi bóng chi hết !
    Cái đồ học ngu mà ham chơi !'
    ...
    Híc ! "Thế là hết, chiều ni em đi mãi !" 
    Thật thế sao ?

4. Nhìn chung, nghị quyết cũng có hiệu quả :
    Từ đó thành tích biểu tháng sau thường có vị thứ cao hơn tháng trước nhưng diều thì không hoàn toàn diệt vong !
    Bầy diều dần được phục sinh trong gian khó nhưng nay không còn được treo đầy vách nhà nữa mà được chuyển vào bí mật, mỗi nàng ở một góc tối trên trần nhà hoặc được gửi hàng xóm và chỉ được tự do ra phơi nắng bọc gió trong giờ hành chánh!
    Chính phủ lại thắc mắc trong nghi ngờ: 'Cái thằng nớ ở nhà cả ngày sao cứ đen thui !'
    (Híc! Cứ giờ hành chánh là nhân dân lại giang nắng thả diều mà trắng chi được hè !)

5. Thỉnh thoảng, cũng bị lộ nhưng do vị thứ đã được cải thiện nhiều nên nhân dân chỉ bị vài roi vi cảnh và dĩ nhiên đau khổ đi kèm vẫn là nàng diều đi thẳng lò thiêu !
    Em này ra đi thì một hai em khác khác lại chào đời, dân số luôn tăng trưởng trong bí mật !
    Nói chung chính phủ không thể dập tắt hẳn thú vui của nhân dân, nhất là khi cái thú ấy đã chuyển thành đam mê và thấm đẫm máu thịt !

6. Không đam mê sao được khi ngắm nhìn một vật phẩm tự tay tạo tác tung bay trong gió, dây căng nối tít trời xanh.
    Không đam mê sao được khi những 'lá thư' trắng phau theo dây diều vút lên trời xanh như những cánh bướm chấp chới trong nắng mang theo hoài bảo thơ ấu.
    Không đam mê sao được khi thu diều về trong ánh mắt nể nang của đám bạn cùng trang lứa.
    Không mê sao được ?
...
    Mê đến nỗi không được phép ra sân banh (cấm vận) thì leo lên mái nhà thả diều!
   Mê đến nỗi thiếu gió cũng thả, chạy thật nhanh đầu ngoáy ra phía sau đưa nhanh cánh diều lên cao, nơi có nhiều gió... hụt chân lộn cổ là chuyện thường, đầu gối cùi chỏ luôn trầy trụa !
    Mê đến nỗi trong mơ cũng thả diều! Cả nhà không hiểu sao 'Nó ngủ mà thỉnh thoảng hai tay lại đưa lên giật giật rất nhịp nhàng.' (Chỉ mỗi bà nội biết nhưng thương cháu nên không tiết lộ. Hehe, thương bà nội nhất nhà !)
    Mê đến nỗi trong cơn mộng du nó leo lên trường thành chạy mà đầu vẫn ngoái ra đằng sau hướng theo sợi cước vô hình với hai tay nhịp nhịp trong đêm. Thật lạ là những lúc như thế lại không bao giờ hụt chân lộn cổ... sau một hồi tung hoành lại về nhà ngủ như không có gì xảy ra!
    Mê đến nỗi tản cư, chạy loạn mà cũng leo rào vào ga xe lửa Đà Nẳng thả diều để rồi bị bắt nhốt để chính phủ phải cất công lãnh về !
...
   Nhớ có lần cùng cụ Nô về thăm Huế, nhậu ở quán 'Xẹt' bên bờ sông Hương cùng thằng bạn ở xóm cũ, một anh bồi trẻ măng đến hỏi 'Có phải là Cường diều không ?' !
    Quá đã cho một đam mê của tuổi thơ !

7. Nhớ có người bạn thường ví 'Vợ như sợi dây và ta như con diều, diều bay cao được là nhờ có sợi dây tốt !' 
    Phải chăng ta có được ngày nay là nhờ những đam mê cùng roi vọt xưa kia ?