aqaqaqaqaq

aqaqaqaqaq
Là nơi lưu dấu với đời !

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

20/80 !



Sáng nay cà phê bù khú với bạn bè về, một mình ở nhà, bèn thả óc lang thang.
Những ký ức xa xôi dần hiện về theo dòng suy tư tự do và thiếu trật tự... 
Bỗng hình ảnh bi tráng của một Kiều Phong oai phong lẫm liệt trong 'Thiên Long Bát Bộ' rõ dần với đầy cảm xúc mãnh liệt của một thời mê mệt cùng những nhân vật hiệp khách kỳ hồ.
'Thiên Long Bát Bộ', một pho tiểu thuyết kiếm hiệp hay và hấp dẫn nhất của Kim Dung, trong đó Kiều Phong là nhân vật gây ấn tượng thật sâu lắng.
...
Còn nhớ tình tiết:

Kiều Phong đang lúc là Giáo chủ Cái Bang oai phong lẫm liệt, vang danh nam Mộ Dung - bắc Kiều Phong, thì bị giang hồ phỉ nhổ khai trừ với lý do chàng có nguồn gốc từ rợ Khất Đan (Khất Đan lúc đó là đại thù của tộc Hán).
Đang hào sảng với bao bằng hữu giang hồ, bỗng trở nên đơn thương độc mã. Chàng quyết định tìm về gặp song thân cùng sư phụ để tỏ tường thật hư. 
Sau những tai ương dồn dập, đã không gặp được người thân chàng còn bị quy tội ám toán họ ! 
Lại bất ngờ phải cưu mang nàng A Châu đang trọng thương.
Trong cơn thập tử nhất sinh, A Châu nài chàng kể chuyện nhưng lại không thích những chuyện thường được nghe, hết cách chàng đành kể về tuổi thơ của chính mình...
Qua câu chuyện về mình, chàng chợt giật mình tự hỏi:
  - Hồi đó sao cha mẹ lại luôn xem ta như khách, luôn nuông chìu đối đãi tử tế với ta như thế?
  - Sao còn nhỏ ta đã dám lén mang dao lạnh lùng giết thầy lang chỉ do ông đã từ chối chữa bệnh cho cha và hành hạ mẹ ta ?
  - Phải chăng hai người chỉ là cha mẹ nuôi của ta ? 
  - Phải chăng trong ta có dòng máu của rợ Khất Đan thật?
...
Và quả thật, chàng xuất thân từ rợ Khất Đan!
...
Được người Hán nuôi nấng và dạy dỗ từ nhỏ nên đến khi bôn tẩu giang hồ chàng luôn có hành xử quang minh chính đại, làm cho bao anh hùng hảo hán phải nễ phục. 
Nhưng thỉnh thoảng bản năng dã man sâu xa của chàng lại phát tác không cưỡng được. 
Với sự pha trộn hai yếu tố trên Kim Dung đã khắc họa nên một nhân vật để đời !
...

Phải chăng một cá thể sinh ra mà không được nuôi dưỡng trong chính môi trường văn hóa của nơi chốn ấy thì một đời bi kịch là điều cá thể đó khó tránh !?
'Gốc tích' và 'văn hóa' đâu là chủ yếu, thứ yếu ? 
Theo quy luật 20/80 thì bên nào 80 bên nào 20?
...

Vài lượm lặt và kinh nghiệm loáng thoáng quanh tỷ lệ 20/80:

1. Với số liệu thống kê tại Singapore Lý Quang Diệu quả quyết: Trí thông minh của mỗi người được quyết định bởi di truyền đến 80%, chỉ 20% là do môi trường ! 

2. Hết 80% cặp cha mẹ có trình độ đại học sinh con có trình độ đại học hoặc trên đại học và chỉ khoảng 20% cặp chưa có trình độ đại học sinh con có trình độ đại học.

3. Trong cuộc sống ta thường bỏ hết 80% thì giờ vào việc vô ích và chỉ 20% cho việc hữu ích.

4. Một đời người chỉ có 20% thời gian để tạo dựng tài sản.

5. Trong Doanh nghiệp thường 80% doanh số chỉ do 20% số nhân viên làm nên và cũng chỉ 20% số khách hàng tạo nên 80% doanh số.

6. Ta thường chỉ thích uống cà phê, nhậu nhẹt bù khú với khoảng 20% trong số bạn bè quen biết. 

7. Trong cuộc nhậu thường chỉ có 20% thời gian bàn chuyện nghiêm túc, 80% còn lại dành cho chuyện vãng tào lao !

8. Nếu dành 20% quan tâm cho vợ bạn sẽ có 80% thời giờ tự do.

9. Nếu bạn nghĩ ngày mai phải làm xong 10 việc thì nên xem kỹ lại vì thường trong đó chỉ có 2 việc là quan trọng và cần phải làm xong mà thôi!

Chúc vui !










Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Địch chiến kế !


7. Không mà làm như có (Vô trung sinh hữu): Chiêu quên bóp của đại ca lúc lên Vĩnh Phương mời vỹ nhân thầm lặng nhậu, ha ha ha!

8. Chọn cách đánh không ai ngờ (Ám độ Trần Thương): Hứa rằng sáng chúa nhật tới không ra bờ hồ Hoàn Kiếm họp mặt như những tuần trước nữa, sáng chúa nhật đó anh ta lại vào họp mặt ở công viên Thống Nhất Sài Gòn, bó tay !

9.  Cách sông xem cháy (Cách ngạn quan hỏa): Thấy thế cuộc sẽ 'tự diễn biến' rồi phải đổi thay, dù có sức và đầy nhiệt huyết cũng không nên nhào vô, đứng xem xa xa mà thôi các bạn nhé, he he !

10. Cười nụ dấu dao (Tiếu lý tàng đao): Ngày nay biến thành chiêu 'Dạ trước mặt' của đại thi hào Phù Vân.

11. Lấy mận thay đào (Lý đại đào cương): Thỉnh thoảng ta lại thấy vài người phải làm vật hiến tế đó thôi, hic!

12. Thuận tay trộm dê (Thuận thủ khiên dương): Nhân tình hình rối ren giữa hai bờ vỹ tuyến, ông anh láng giềng (môi hở răng lạnh) đã thuận tay khiên Sa đảo, thật tệ!

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Kế !



  Lâu nay nghe người đời thường nhắc đến 'Tam thập lục kế'!?

  Thắc mắc, bèn tìm:

 Wikipedia bảo trong đó có sáu kế để chiến thắng (Chiến thắng kế), đại khái như sau:
  1. Giấu trời qua biển (man thiên quá hải) : Sách sử kể trong trận Xích Bích Khổng Minh dùng thuyền cỏ trong sương mù để thu hết tên của Tào Tháo.
  2. Vây Ngụy cứu Triệu (vi Ngụy giải Triệu): Sách sử rằng Bàng Quyên đem quân nước Ngụy vây Triệu. Tôn Tẩn, bạn học của Bàng Quyên, bày Tề đem quân vây Ngụy mà Triệu được cứu.
  3. Mượn dao giết người (tá đao sát nhân): Thời Tam quốc Nễ Hành ương bướng không chịu khuất phục Tào Tháo, Thào Tháo bèn cữ Nễ đến chầu Lưu Biểu rồi chết dưới tay Lưu Biểu vì ương bướng!
  4. Lấy nhàn diệt nhọc (dĩ dật đãi lao) : Du kích, không để địch yên, địch tiến ta núp, địch nghỉ ta quấy, địch lùi ta tiến, địch mỏi mệt mà phải thua.
  5. Tận dụng địch tai (Sấn hỏa đả kiếp): Tào Tháo thất binh ở Xích Bích , Lưu Bị đang là một lãnh chúa nhỏ ở Tương Dương nhanh chóng tung binh chiếm Kinh Châu rồi phát triển thế lực ngang với Tào, Tôn.
  6. Nháy phải rẽ trái (thanh Đông kích Tây): Đang nhậu mà xin về thì không ai thuận, nâng ly thúc uống tấp tập là được về sớm ngay.   
          Muốn thắng là phải lừa nhau vậy sao? 
          Thua có đau lắm không ?
          Thắng là vinh thật ư ?
          Nghe nói sau chuộc chiến chỉ có hoang tàn thôi kia mà!
          Cứ phải dối thế sao ?
          Có kế nào khác không ?
          Híc!