aqaqaqaqaq

aqaqaqaqaq
Là nơi lưu dấu với đời !

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

NOEL !


    Cứ Noel đến là bên tai cứ văng vẳng bài hát này !

CHÚC CÁC BẠN MỘT GIÁNG SINH ĐẦM ẤM CÙNG GIA ĐÌNH VÀ NGƯỜI THÂN !

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Đợi !



Gió lạnh cành thưa
Ừ, đông đã tới
Đếm từng hạt mưa
Mong chờ ngày mới ?

Chim xanh nhập đàn
Lá khô lìa cành 
Ngày rồi sẽ tới
Đời rồi sẽ mới !

Hơi nào còn ấm
Môi nào còn nồng
Xin chớ lặng câm
Dù rồi hư không !

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Nelson Mandela

"Tôi đã chiến đấu chống lại sự thống trị của người da trắng, và tôi đã chiến đấu chống lại sự thống trị của người da đen. Tôi yêu mến lý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do, trong đó mọi người dân sống với nhau hòa thuận, có những cơ hội bình đẳng. Đó là lý tưởng mà tôi hy vọng sẽ sống vì nó và đạt được nó. Nhưng nếu cần, tôi cũng sẵn sàng chết vì lý tưởng đó", (Mandela nói tại tòa án Rivonia năm 1964, khi ông đối mặt với một án tử hình vì âm mưu lật đổ chính quyền).  
"Khi tôi bước đến với tự do, tôi biết rằng nếu không bỏ lại nỗi đau và sự căm thù lại phía sau, tôi vẫn sẽ ở trong tù", (Mandela nói sau khi được ra tù năm 1990). 
"Những nhà lãnh đạo thực sự phải sẵn sàng hy sinh tất cả vì sự tự do của dân tộc họ".
"Không phải vua và tướng tạo ra lịch sử mà chính là đám đông quần chúng, những công nhân, nông dân, bác sĩ, luật sư". 
"Nếu có bất cứ điều gì tôi nhận thức được, thì đó là không sợ thiểu số, đặc biệt là thiểu số da trắng. Chúng ta sẽ không sống như những con mèo béo", (ông nói trước cuộc bầu cử tổng thống năm 1994). 
"Chúng ta đạt được hiệp ước rằng chúng ta sẽ xây dựng một xã hội trong đó tất cả người Nam Phi, da màu lẫn da trắng, sẽ có thể bước ngẩng cao đầu, với trái tim không run sợ, được đảm bảo về quyền bất khả xâm phạm đối với nhân phẩm - một quốc gia cầu vồng hòa bình trong nội tại và trên thế giới", (Mandela phát biểu trong lễ nhậm chức tổng thống)
"Tôi bước xuống với một nhận thức, một cảm giác rõ ràng rằng bằng một cách nhỏ nhoi, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ với dân tộc tôi và đất nước tôi", (ông nói khi thôi làm tổng thống).  
"Sự việc đều tưởng như bất khả thi cho tới khi nó được hoàn thành".
"Nghèo không phải là một tai ương. Giống nạn nô lệ và phân biệt chủng tộc, nó do con người tạo ra và có thể được xóa bỏ bằng hành động của nhân loại". 
"Đừng đánh giá tôi dựa trên những thành công của tôi, hãy đánh giá tôi dựa trên số lần tôi gục ngã và đứng dậy trở lại". 
"Cái chết là điều không thể tránh khỏi. Khi một người đã hoàn thành điều người đó coi là trách nhiệm với dân tộc của ông ta, với đất nước của ông ta, ông ta có thể yên nghỉ. Tôi tin rằng tôi đã hoàn thành nỗ lực đó, và vì vậy, đó là lý do tôi sẽ ngủ yên trong vĩnh hằng", (Mandela trả lời phỏng vấn trong bộ phim tài liệu "Mandela"). 
..................................................................................................................................................................
   Nghe tin Nelson Mandela trút hơi thở cuối cùng, tôi lại tìm đọc đi đọc lại những điều ông đã phát biểu trên với một lòng cảm phục biết và ơn sâu sắc !
   Xin vĩnh biệt một ân nhân của nhân loại !





Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Vết xưa.

(Nhân chuyến thăm lại Hòn Bà vào thời điểm cả nước băn khoăn về y đức thời nay !)



    Ảnh trên là ngôi nhà của bác sỹ Yersin được phục dựng tại đỉnh Hòn Bà. 
   Tại đây, vào năm 1915, Yersin đã mở một đồn điền trồng Canh-ki-na (nhập từ Nam Mỹ) để sản xuất kí ninh chữa bệnh sốt rét.
   Nằm cách Quốc lộ I chỉ khoảng 40 Km, cách Nha Trang khoảng 60Km nhưng có cao độ tuyệt đối 1578m, cao hơn Đà Lạt 90m !
   Ngày nay tuy đã có đường ô tô lên tận đỉnh nhưng chỉ những tay lái vững mới dám leo. 
   Có lên tới đỉnh mới kính nể sự can trường của Yersin khi ông băng rừng vượt suối để gầy dựng cơ sở trồng nguyên liệu thuốc chửa sốt rét tại đây cách nay cả thế kỹ !

   Yersin là người khai phá cao nguyên Di Linh khi tìm một con đường bộ từ Phan Rí vào Sài Gòn. Sau đó lại từ Biên Hòa qua Đồng Nai lên Di Linh để tìm ra cao nguyên Lâm Viên nay là Đà Lạt.

   Từng thám hiểm, vẽ họa đồ, chụp hình, khảo sát phong tục tập quán các bộ tộc thuộc vùng Ban Mê Thuộc đến Stung Treng (Campuchia) rồi xuôi dòng Mê Kông ra đảo Phú Quốc về lại cảng Sài Gòn. Sau đó lại từ Biên Hòa lên Đà Lạt đến cao nguyên Dak Lak vào Attopeo (Nam Lào) rồi theo hướng đông ra biển tại Đà Nẵng. Cuộc thám hiểm này ông đã khảo sát một vùng rộng lớn giữa sông Mê Kông và bờ biển Đông Việt Nam từ Vỹ tuyến 11 đến 16.

   Để cảm nhận phần nào những gian khổ và thống khoái trong các chuyến thám hiểm đó ta hãy đọc vài ghi chép của ông sau đây:

   'Đường đi thật là khủng khiếp. Trong 4 ngày liên tiếp, chúng tôi phải vượt qua một vùng núi hiểm trở, trèo xuống, leo lên, cứ đơn điệu như thế mãi làm cho chúng tôi rất mệt mỏi. Cây cối chen chúc. Không có đường mòn. Chúng tôi phải khòm lưng chui qua các bụi tre. Vì trời mưa nên rừng có nhiều vắt không thể tả được. Những người Việt Nam đi cùng với chúng tôi bị sốt rét mặc dầu đã uống thuốc ngừa...'
  
     'Từ trong rừng thông bước ra tôi sửng sờ khi đối diện một bình nguyên hoang vu giống như mặt biển tràn đầy những làn sóng màu xanh lá cây. Sự hùng vĩ của rặng Langbiang hòa lẫn vào đường chân trời tây bắc tạo nên bối cảnh tráng lệ, gia tăng vẻ đẹp của vùng đất này.'

    'Không khí mát mẻ đã làm tôi quên đi mệt nhọc và tôi nhớ lại niềm vui được chạy hết tốc lực lên xuống những ngọn đồi như một học sinh trung học trẻ tuổi'.

   Những chuyến thám hiểm đối với Yersin có lẽ chỉ là những chuyến dã ngoại!

   Về y học ông là người tìm ra trực khuẩn gây ra bệnh dịch hạch (Yersinia Pestis). 
   Hoạt động tích cực để thành lập trường Y khoa Đông Dương (École de Médecine de l’Indochine) sau này là Đại học Y Hà Nội và được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đầu tiên cho tới năm 1904.
   Về nông nghiệp ông là người đi đầu trong việc đem cây cao su từ Brazil về trồng ở Việt Nam, vận động và lập một nông trại ở Suối Dầu (Nha Trang) để nghiên cứu loại cây này. 

   Khi đặt chân đến Nha Trang (1891) Yersin đã yêu mến vùng này và quyết định lưu trú tại đây. Trong một lá thư gửi cho bạn ông viết: 'Hãy đến đây với tôi, ông sẽ biết ở đây thú vị như thế nào, thời tiết không nóng nhiều, cũng không lạnh lắm, một khung cảnh thanh bình tuyệt đối và nhiều công việc cần làm.'
    Ông sống gần gũi với cư dân trong vùng, tận tụy giúp đỡ những ngư dân nghèo khó tại đây. 
   Sống trong một ngôi nhà cổ 3 tầng, dân chài gọi là 'lầu ông Tư'. Tầng thượng ông đặt kính thiên văn quan sát thời tiết cho làng chài. Khi có bão ông gọi dân làng đến trú tại nhà và cung cấp thực phẩm cho họ. 
    Hằng ngày ông khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo, trong một lá thư cho mẹ ông viết: '... không bao giờ con có thể đòi tiền người bệnh cho việc chăm sóc họ. Con coi y khoa như là một chuyên môn và là một mục vụ. Đòi tiền để chăm sóc bệnh nhân chẳng khác nào nói với người đó rằng: tiền hay mạng sống.'

    Yersin mất ngày 01/03/1943 tại nhà riêng ở Nha Trang và để lại chúc thư: 
   'Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang, và những người cộng sự lâu năm. Đám táng làm giản dị, không huy hoàng không điếu văn.'

Tập tin:Petit-Yersin.jpg
   Alexandre Yersin

Lầu ông Tư (Nay đã bị phá dể xây nhà nghỉ Bộ Công an)

Nhà Bác sỹ Yersin
Nhà của Yersin tại Đà Lạt

Nhà để nghiên cứu bệnh dịch hạch tại Hồng Kông

Tập tin:Alexandre Yersin - plateau Lang Biang 1893.jpg
Yersin tại Lang Biang

Tập tin:Lycee yersin cropped.PNG
Lycée Yersinnay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt .
(Được xây để vinh danh ông vào năm 1927, nay được bầu là 1/1000 kiến trúc đẹp của thế giới.)

Mộ Yersin tại Suối Dầu - Nha Trang
Bia mộ Yersin tại Suối Dầu 

Không gian tĩnh lặng trong sương mù của nhà hàng Yasaka trên đỉnh Hòn Bà
(Bên cạnh nhà Yersin được phục dựng) 

*(Một số tư liệu và hình ảnh trong bài được trích dẫn từ Wikipedia - Việt Nam và một số trang có liên quan khác)

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

TIN



1.
Ngày còn nhỏ thường nghe người lớn nói:
'Nếu bạn bắn súng lục vào quá khứ thì tương lai sẽ bắn bạn bằng đại bác.' 
Nghe thì nghe thế nhưng chẳng hiểu mô tê ra sao !

Mấy hôm nay nghe thiên hạ hay nói:
'Chúng ta chỉ có thể rút kinh nghiệm về những sai trái trong quá khứ để tự sửa đổi mới mong có tương lai khá hơn chứ không thể xóa bỏ quá khứ mà tốt lên được! '
Cái này có vẻ dễ hiểu hơn.

2.
Đôi khi suy nghĩ vẩn vơ:
Ta sao đen đủi sinh ra trong một sinh cảnh rối rắm thế này!
Lại nghĩ tiếp:
Sao không xem đây là cơ hội để tự rèn mình mà lại đớn hèn than thân trách phận?
Lại tiếp:
Trong sinh cảnh rối rắm thế này ta có đủ nghị lực để sống tốt không? 
Tốt một mình có ích cho ta, ích cho ai không?
Lắm người ta xem là tốt đang lâm cảnh khốn cùng, vợ con cũng khốn đốn theo kia!
...
Có thể nào làm cho sinh cảnh này khá hơn không?

3.
Lại vẩn vơ suy nghĩ:
Sinh cảnh quanh ta vẫn tươi đấy chứ, cây vẫn xanh cho hoa trái bốn mùa, mọi người gặp nhau vẫn chào hỏi tươi cười thân thiện ...
Nhưng hình như vẫn có cây gậy thỉnh thoảng lại thọc ngang bánh xe sinh cảnh ấy, làm cho mọi sự ngừng trệ chán nản... mất tin!
Ừ đúng, mất tin!
Chỉ do mất tin mà lòng ta chưa an và đâm ra chán nản thôi!

4.
Ka ka, không thể 'để gió cuốn đi' được!
Đi tìm niềm tin thôi!



Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Điếu khúc


Xin kính cẩn cúi chào
Người về với trời cao
Nhân loại buồn tiếc nhớ !
Ánh sáng một vì sao 
                 

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Nhớ !



Trời nhai chi mãi cơn mưa
Để ta nhớ Huế từ trưa tới chừ
Hương thơm còn luyến cánh thư ?
Đông Ba, Thượng Tứ, Đồi Từ nay sao ?

Nhớ ngày còn ước bay cao
Giấy dầu tre hóp nên bao cánh diều
Nhớ ngày thuộc mấy câu Kiều
Phố phường thơ hóa, nắng chiều say sưa
Nhớ ngày theo gót sáng trưa
Vườn chanh xưa ấy nay mưa có buồn ?

Bao giờ về lại hở cuồng ?
Bao giờ lội lụt giữa muôn mưa ngàn ?
Quê về ta sẽ lang thang
Thu hồn sông núi đặng mang theo cùng !






Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

HÔME







'Chuyến lữ hành về quá khứ'
Hehe!
Huhu!

(Thêm sau)




Bạn tôi



Bạn tôi, những bạn già
Có bạn mê nhấm trà
Có bạn sống như mơ
Có bạn luôn la cà !

Bạn tôi, những người già
Có người đã ra ma
Có người trông rất trẻ
Có người yêu đàn ca !

Bạn tôi, toàn bạn già
Vui buồn kiếp 'phôi pha'
Bạn tôi, những bạn già
Yêu đời, yêu rất lạ !

TTC

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Độc Lập !




1. Từ 'Nam quốc sơn hà'  đến  'Hịch tướng sỹ' đến 'Bình Ngô đại cáo' rồi đến 'Tuyên ngôn Độc lập' . Nhà thơ Chế lan Viên đã vui mừng ca ngợi những ngày bình minh rực rỡ thực sự đã đến với dân tộc Việt: 

'Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm!
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
- Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc.
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng...
Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả
Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn:
Trái cây rơi vào áo người ngắm quả,
Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn,
Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ,
Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn...
Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời,
Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khoá
Những pho tượng chùa Tây Phương không biết cách trả lời
Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ
Văn Chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi!
Có phải cha ông đến sớm chăng và cháu con thì lại muộn?
Dẫu có bay giữa trăng sao cũng tiếc không được sống phút giây bây giờ
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn,
...' 
(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? - Chế lan Viên)


2. Cũng khoảng thời gian đó Phùng Quán lặn lội tìm gặp Nguyễn hữu Đang, người dựng lễ đài Tuyên ngôn Độc lập! 

Lúc này Hữu Đang đang sống cơ cực trong một chái nhà được che thêm ở đầu hồi một nhà ở tập thể của giáo viên (trước đây thì sống khá hơn ở cạnh chuồng heo của hợp tác xã nhưng vì cái đám heo ồn quá không làm việc được !)

Nghe đâu cũng vào lúc này Hữu Loan (tác giả 'Màu tím hoa sim') đang cạy cục thồ đá hộc ở quê nhà nuôi vợ con. 

Và còn bao nhiêu số phận nữa ?


3. Bỗng nhớ :

'Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ...'
(Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)


4. Đúng ! Buồn làm chi ? 
    Ích gì bạn hỡi !

                        (31/08/2013)

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Thực tại !

  

1. Đêm đêm khi ngắm bầu trời quang đãng đầy sao, ta luôn thích thú pha lẫn thắc mắc rằng trong số chúng sao nào là hiện hữu và sao nào đã mất ! 
    Thật vậy, ngôi sao gần ta nhất cũng cách ta đến 4 năm ánh sáng. Nếu vào thời điểm này ngôi sao đó vụt tắt thì phải sau bốn năm ta mới biết được sự kiện vụt tắt đó của nó (đến khi đó ánh sáng của nó mới không còn lấp lánh trên bầu trời sao của ta nữa).
     Bầu trời sao mà ta thấy hằng đêm chỉ cho ta biết về quá khứ của nó mà thôi !

2. Cũng vậy, những sự kiện hằng ngày xảy ra quanh ta cũng đều là quá khứ cả. Bởi tuy gần nhưng ánh sáng cũng cần vài phần sát na để truyền sự kiện đó đến mắt ta.

3. Ngày nọ, Albert Einstein hỏi Niels Bohr :
Ông có thể chứng minh rằng mặt trăng vẫn ở đó khi chúng ta không quan sát nó không ?
Vậy ông có thể chứng minh điều ngược lại ư ! (Bohr thấu cáy) Rằng nó không còn ở đó khi chúng ta không quan sát nó ?
!!!

4. Những kiến thức ngày nay ta có được phần lớn là do niềm tin chứ ta có thấy tận mắt bao giờ! Như Big Bang, Hố đen, Lão Trang, Nguyễn Du, nguyên tử, hạt cơ bản, sóng...
    Và hình ảnh về cuộc sống quanh ta cũng là thế giới rất riêng của ta được xây dựng trên sự hiểu biết và niềm tin về sự hiểu biết về nó mà thôi !


Vậy may ra ta chỉ biết được thực tại của ta chứ không bao giờ biết được thực tại của 'kẻ khác' ! 
Mỗi cá nhân có một thế giới rất riêng, một vũ trụ rất riêng và một thực tại cũng rất riêng. 
Khi ta mất đi tất cả cũng phải biến theo.
Phải vậy chăng ?




Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Tính cách


Ông ơi !
...!
Ơi ông ơi !
...?
Ông à?
Chi nữa ?
Cái laptop của ông đâu ?
Chi ?
Con đang tìm hiểu về tính cách...
Mi chỉ có tánh chứ làm gì có tính với cách, tìm chi ?
Con có cách tùy vào tánh của con và con tính được, Ông cũng vậy mà Ông !
Rứa mi hiểu về tính cách rồi đó, tìm chi nữa ?
Nhưng con muốn biết suy nghĩ của cộng đồng.
Thôi ! Lo bắt chí cho ả mới của mi thì hơn, đừng bày thêm chi !
...
...
Ông bán thật rồi hở Ông !?
!







Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Nhớ !



Những ngày buồn nhớ đời rất nông
Nhạt quá quanh ta lẽ có không
Biển vắng xanh xao cánh buồm nhỏ
Gió nhẹ kề mây chuyện phiêu bồng

Nhớ em xưa ấy má hồng hồng
Tóc xanh dày mượt mi rất cong
Bên song buồn nhẹ vương lên mắt
Hương chanh gầy níu đặng cánh ong ?

Tình qua năm tháng có phai nồng
Mi cong mày mượt còn đó không ?
Trời xanh mây trắng vẫn tươi lắm !
Riêng ta thi thoảng ngẫn chờ mong .


Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

20/80 !



Sáng nay cà phê bù khú với bạn bè về, một mình ở nhà, bèn thả óc lang thang.
Những ký ức xa xôi dần hiện về theo dòng suy tư tự do và thiếu trật tự... 
Bỗng hình ảnh bi tráng của một Kiều Phong oai phong lẫm liệt trong 'Thiên Long Bát Bộ' rõ dần với đầy cảm xúc mãnh liệt của một thời mê mệt cùng những nhân vật hiệp khách kỳ hồ.
'Thiên Long Bát Bộ', một pho tiểu thuyết kiếm hiệp hay và hấp dẫn nhất của Kim Dung, trong đó Kiều Phong là nhân vật gây ấn tượng thật sâu lắng.
...
Còn nhớ tình tiết:

Kiều Phong đang lúc là Giáo chủ Cái Bang oai phong lẫm liệt, vang danh nam Mộ Dung - bắc Kiều Phong, thì bị giang hồ phỉ nhổ khai trừ với lý do chàng có nguồn gốc từ rợ Khất Đan (Khất Đan lúc đó là đại thù của tộc Hán).
Đang hào sảng với bao bằng hữu giang hồ, bỗng trở nên đơn thương độc mã. Chàng quyết định tìm về gặp song thân cùng sư phụ để tỏ tường thật hư. 
Sau những tai ương dồn dập, đã không gặp được người thân chàng còn bị quy tội ám toán họ ! 
Lại bất ngờ phải cưu mang nàng A Châu đang trọng thương.
Trong cơn thập tử nhất sinh, A Châu nài chàng kể chuyện nhưng lại không thích những chuyện thường được nghe, hết cách chàng đành kể về tuổi thơ của chính mình...
Qua câu chuyện về mình, chàng chợt giật mình tự hỏi:
  - Hồi đó sao cha mẹ lại luôn xem ta như khách, luôn nuông chìu đối đãi tử tế với ta như thế?
  - Sao còn nhỏ ta đã dám lén mang dao lạnh lùng giết thầy lang chỉ do ông đã từ chối chữa bệnh cho cha và hành hạ mẹ ta ?
  - Phải chăng hai người chỉ là cha mẹ nuôi của ta ? 
  - Phải chăng trong ta có dòng máu của rợ Khất Đan thật?
...
Và quả thật, chàng xuất thân từ rợ Khất Đan!
...
Được người Hán nuôi nấng và dạy dỗ từ nhỏ nên đến khi bôn tẩu giang hồ chàng luôn có hành xử quang minh chính đại, làm cho bao anh hùng hảo hán phải nễ phục. 
Nhưng thỉnh thoảng bản năng dã man sâu xa của chàng lại phát tác không cưỡng được. 
Với sự pha trộn hai yếu tố trên Kim Dung đã khắc họa nên một nhân vật để đời !
...

Phải chăng một cá thể sinh ra mà không được nuôi dưỡng trong chính môi trường văn hóa của nơi chốn ấy thì một đời bi kịch là điều cá thể đó khó tránh !?
'Gốc tích' và 'văn hóa' đâu là chủ yếu, thứ yếu ? 
Theo quy luật 20/80 thì bên nào 80 bên nào 20?
...

Vài lượm lặt và kinh nghiệm loáng thoáng quanh tỷ lệ 20/80:

1. Với số liệu thống kê tại Singapore Lý Quang Diệu quả quyết: Trí thông minh của mỗi người được quyết định bởi di truyền đến 80%, chỉ 20% là do môi trường ! 

2. Hết 80% cặp cha mẹ có trình độ đại học sinh con có trình độ đại học hoặc trên đại học và chỉ khoảng 20% cặp chưa có trình độ đại học sinh con có trình độ đại học.

3. Trong cuộc sống ta thường bỏ hết 80% thì giờ vào việc vô ích và chỉ 20% cho việc hữu ích.

4. Một đời người chỉ có 20% thời gian để tạo dựng tài sản.

5. Trong Doanh nghiệp thường 80% doanh số chỉ do 20% số nhân viên làm nên và cũng chỉ 20% số khách hàng tạo nên 80% doanh số.

6. Ta thường chỉ thích uống cà phê, nhậu nhẹt bù khú với khoảng 20% trong số bạn bè quen biết. 

7. Trong cuộc nhậu thường chỉ có 20% thời gian bàn chuyện nghiêm túc, 80% còn lại dành cho chuyện vãng tào lao !

8. Nếu dành 20% quan tâm cho vợ bạn sẽ có 80% thời giờ tự do.

9. Nếu bạn nghĩ ngày mai phải làm xong 10 việc thì nên xem kỹ lại vì thường trong đó chỉ có 2 việc là quan trọng và cần phải làm xong mà thôi!

Chúc vui !










Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Địch chiến kế !


7. Không mà làm như có (Vô trung sinh hữu): Chiêu quên bóp của đại ca lúc lên Vĩnh Phương mời vỹ nhân thầm lặng nhậu, ha ha ha!

8. Chọn cách đánh không ai ngờ (Ám độ Trần Thương): Hứa rằng sáng chúa nhật tới không ra bờ hồ Hoàn Kiếm họp mặt như những tuần trước nữa, sáng chúa nhật đó anh ta lại vào họp mặt ở công viên Thống Nhất Sài Gòn, bó tay !

9.  Cách sông xem cháy (Cách ngạn quan hỏa): Thấy thế cuộc sẽ 'tự diễn biến' rồi phải đổi thay, dù có sức và đầy nhiệt huyết cũng không nên nhào vô, đứng xem xa xa mà thôi các bạn nhé, he he !

10. Cười nụ dấu dao (Tiếu lý tàng đao): Ngày nay biến thành chiêu 'Dạ trước mặt' của đại thi hào Phù Vân.

11. Lấy mận thay đào (Lý đại đào cương): Thỉnh thoảng ta lại thấy vài người phải làm vật hiến tế đó thôi, hic!

12. Thuận tay trộm dê (Thuận thủ khiên dương): Nhân tình hình rối ren giữa hai bờ vỹ tuyến, ông anh láng giềng (môi hở răng lạnh) đã thuận tay khiên Sa đảo, thật tệ!

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Kế !



  Lâu nay nghe người đời thường nhắc đến 'Tam thập lục kế'!?

  Thắc mắc, bèn tìm:

 Wikipedia bảo trong đó có sáu kế để chiến thắng (Chiến thắng kế), đại khái như sau:
  1. Giấu trời qua biển (man thiên quá hải) : Sách sử kể trong trận Xích Bích Khổng Minh dùng thuyền cỏ trong sương mù để thu hết tên của Tào Tháo.
  2. Vây Ngụy cứu Triệu (vi Ngụy giải Triệu): Sách sử rằng Bàng Quyên đem quân nước Ngụy vây Triệu. Tôn Tẩn, bạn học của Bàng Quyên, bày Tề đem quân vây Ngụy mà Triệu được cứu.
  3. Mượn dao giết người (tá đao sát nhân): Thời Tam quốc Nễ Hành ương bướng không chịu khuất phục Tào Tháo, Thào Tháo bèn cữ Nễ đến chầu Lưu Biểu rồi chết dưới tay Lưu Biểu vì ương bướng!
  4. Lấy nhàn diệt nhọc (dĩ dật đãi lao) : Du kích, không để địch yên, địch tiến ta núp, địch nghỉ ta quấy, địch lùi ta tiến, địch mỏi mệt mà phải thua.
  5. Tận dụng địch tai (Sấn hỏa đả kiếp): Tào Tháo thất binh ở Xích Bích , Lưu Bị đang là một lãnh chúa nhỏ ở Tương Dương nhanh chóng tung binh chiếm Kinh Châu rồi phát triển thế lực ngang với Tào, Tôn.
  6. Nháy phải rẽ trái (thanh Đông kích Tây): Đang nhậu mà xin về thì không ai thuận, nâng ly thúc uống tấp tập là được về sớm ngay.   
          Muốn thắng là phải lừa nhau vậy sao? 
          Thua có đau lắm không ?
          Thắng là vinh thật ư ?
          Nghe nói sau chuộc chiến chỉ có hoang tàn thôi kia mà!
          Cứ phải dối thế sao ?
          Có kế nào khác không ?
          Híc!
          
          

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

ANTONI GAUDI

Sáng nay cụ Gúc nhắc nhở hôm nay là sinh nhật của KTS Antoni Gaudi.
...
Từ lúc chập chững vào nghề tôi đã luôn tự hỏi ông ta đã vẽ những công trình này như thế nào !
Lúc vào đời lại thắc mắc không biết bằng cách nào ông ta đã thuyết phục được những người bỏ tiền ra xây dựng, những Chủ đầu tư vỹ đại này là ai ? 
Đến nay vẫn chưa tự giải được, chỉ biết qua Wikipedia rằng:
Khi kí tên trên chứng chỉ của Gaudi, Elies Rogent tuyên bố, "Qui sap si hem donat el diploma a un boig o a un geni: el temps ens ho dirà" (" Ai biết được chúng ta trao chứng chỉ này cho một thằng đần hay một thiên tài. Thời gian sẽ trả lời.")
!
Bất cứ lúc nào có dịp ngắm nhìn những công trình của ông tôi cũng luôn có cảm giác nó chỉ có trong mơ, những giấc mơ mê hồn và đẹp đến từng chi tiết! 
(Kiến trúc của ông như mọc lên từ đất, phát triển đâm cành trổ hoa mềm mại uốn lượn tự nhiên như cây cỏ ở một cõi thần tiên ảo diệu nào đó mà ta chỉ gặp được trong những giấc mơ !)












Không thể tưởng được các kiến trúc trên hiện diện trong đời thực đã hơn 160 năm nay!
Thành thật kính nễ !


Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Suy thoái !?



  Hằng trăm ngàn doanh nghiệp đã giải thể !
  Hằng triệu con người đang thất nghiệp !
  Cả xã hội lo lắng, sợ rằng suy thoái sẽ cứ dai dẳng !
  Biết đến khi nào xã hội chúng ta mới thoát khỏi cơn suy thoái này?
  ...
  Thật ra suy thoái đang cần mẫn sắp xếp sửa chữa lại mọi việc cho cái xã hội đã quá suy đồi, chứa quá nhiều ung nhọt... của chúng ta và chắc hiện nay chỉ có nó là có thể làm được.
  Vậy suy thoái đúng là vị ân nhân là lãnh tụ đầy quyền năng  mà chúng ta vẫn hằng mong.
  Chúng ta hãy rộng vòng tay chào đón suy thoái và tạo mọi điều kiện cho nó hoàn thành tốt nhiệm vụ.
  He he !

 

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

THÁI - BỈ !












Theo Kinh Dịch :
THÁI: An thích, thông thuận.
           Khôn ở trên, Càn ở dưới; 
          - Âm Khôn ở trên, có tính nhu trầm, thiên hướng hướng xuống dưới.   
          - Càn dương ở dưới lại có tính cương động, thiên hướng hướng lên trên. 
           Nhị khí có dịp giao hòa thông thuận, vạn vật có điều kiện tốt để sinh trưởng mà được hanh thông.

          Trong vũ trụ không có gì là thông hoài được, hết hanh thông thì tới tắc cùng, cho nên sau quẻ Thái tới quẻ Bỉ. ('Kinh dịch đạo của người quân tử' của Nguyễn Hiến Lê)


BỈ: Bất an, bế tắc.
           Càn ở trên, Khôn ở dưới.
           Càn thiên hướng hướng lên trên lại ở trên, Khôn thiên hướng hướng xuống dưới lại ở dưới.
           Nhị khí không hướng vào nhau nên không thể gặp nhau để âm dương giao hòa, vạn vật tất bất an, thế dần vào bế tắc!

           Gặp thời Bỉ thì người quân tử nên thu cái đức của mình lại để tránh tai nạn, đừng màng chút lợi danh nào cả (quân tử dĩ kiệm đức tị nạn, bất khả vinh dĩ lộc). Nên ở ẩn! (Nguyễn Hiến Lê)


***

           Chúng ta đang ở trong thời mà xã hội suy thoái về nhiều mặt, đoạn Thái đã qua, ta đang trong thời của Bỉ vậy ! 
           Người xưa bảo: 'Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế!'
           Vậy ta phải xử thế nào trong cơn suy thoái này ?
           - Chúng ta còn gia đình, người thân cần được quan tâm chăm sóc.
          - Chúng ta còn chiến hữu, bạn bè và những lạc khoái bên ly cà phê, chai bia, cốc rượu cần được duy trì.
         - Chúng ta còn cần phải là một thành tố tích cực để góp sức cho xã hội sớm thoát cơn Bỉ cực này nữa.
           Làm sao có thể theo người xưa để ở ẩn được?
           Xu thời để vinh thân chăng ? Chắc là không có khiếu rồi !
           Làm sao đây ?

1. Sáng nay lang thang qua 'Vườn sỏi' của nhà Lão Lục, lượm được một câu chuyện:
      'Có 2 con ếch bị rớt xuống hố sâu .Chúng cố gắng nhảy lên trong vô vọng.Bầy ếch trên miệng hố hò hét khuyên can không nên phí sức làm gì,hãy cứ chấp nhận hoàn cảnh thôi ! Một con nghe lời nằm yên bỏ cuộc,nhưng một con vẫn cố gắng nhảy liên tục bằng hết cả sức lực của mình.Cuối cùng nó lên được miệng hố trước sự kinh ngạc của cả bầy.Nó cảm ơn cả bầy đã động viên nó ,bởi thế nó đã cố gắng đến thành công.Thì ra nó bị điếc ! Điếc cũng có lợi như thế đấy !'
    Vậy ra: khiếm khuyết cũng có cái lợi của nó đấy chứ !
    (Cám ơn Lão Lục nhiều nhá !)

2. Theo các nhà khoa học loài người có điều kiện sinh sôi và phát triển để có ngày nay là nhờ một đại họa của trái đất cách đây vài chục triệu năm đã tiêu diệt hầu hết các loài khủng long.
    Vậy ra: họa cho phía này có khi lại là phúc cho phía kia !

3. Hồi bố vợ tôi còn sống, thỉnh thoảng lại hay thanh lọc cơ thể bằng phương pháp triệt thực vài tuần, có khi hơn cả tháng !
    Ông thường bảo: 'Khi cơ thể không còn được nạp năng lượng ngoại thân nó sẽ tự điều phối, lấy  mỡ, năng lượng những nơi không cần thiết để tu bổ duy trì những cơ năng cần thiết trong cơ thể. Qua đó nó loại bỏ luôn những độc chất và những khối u vô bổ. Ngoài ra quá trình triệt thực cũng thanh lọc được cả tinh thần!'.
     Có lẽ nhờ thế ông sống thọ và thoải mái nhất trong tộc họ.
     Vậy ra: sống mọi người lo sợ bị đói nhưng có rất ít người biết cái ích lợi của sự đói !

4. Vậy ra: Ý vậy !
    Hì hì !
     

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Lo xa !

Này, này đừng đụng tới laptop của tao ! ...Mà mày đang làm trò gì đó ?
...
Đồ khỉ gió, tao đang hỏi mày !
Dạ... dạ con đang... đọc thánh hiền.
Đọc thánh hiền mà sao cười mỉa mai thế ?
Không như ông, họ xem thường cái giống tụi con quá !
Chỗ nào ?
Trong 'Sáng bốn chiều ba' đó ông !
Thì tụi bây chỉ biết chuyện trước mắt thôi, không đúng ư ?
Ông cũng đâu có lo xa hơn đâu?
...
...!
Không lo xa mà giờ mày ngồi đọc thánh hiền được à ! Không lo xa mà vài hôm nữa tao được mời tới tận Tân Gia Ba để dự Đại hội các Gánh xiếc khu vực và còn đọc diễn văn mở đầu nữa à !
Thế hở ông ? Con chúc mừng ông !
Chúc mừng cái con khỉ !
Sao vậy ông ? Con mừng thực mà ! Ông nổi tiếng thì con cũng được no.
Mày lúc nào cũng chỉ biết có ăn thôi.
...!
...
Sắp đi, vinh hạnh thế mà sao trông ông lo lung quá vậy ?
Vinh với hạnh cái con... thôi im đi để tao yên.
...!
Không lo sao được, các gánh kia muốn mình ló cái đuôi ham ăn nhưng dốt nhược và hèn đây mà ! Không lo sao được ?... Lâu nay mình chỉ giỏi lếu láo với con khỉ gió kia thôi, thỉnh thoảng láo với nội bộ Gánh nữa là hết! Nay mai ra giữa bá quan văn võ làm sao đây ? Lếu láo thì họ không coi ra già và cười vào mũi, thật thì không đường về là cái chắc! ... Híc, làm sao đây ?...
Mà ông ơi ?
Im đi !
Đến khi ông về mình sẽ được diễn hoành tráng hơn phải không ông ?
Tao bảo im !
Con đang lo xa mà ông !
Im !
Khẹc! Khec!

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Tầm tầm !




    Hút xong điếu thuốc nhắm búng cái đót qua khung cửa sổ, đót lại trúng ngay chấn song lóe chùm lửa đỏ bật ngay lại nền nhà ! 
    Nhặt, về vị trí cũ nhưng lần này nhắm ngay một chấn song và búng, cái đót lọt êm ra ngoài. Hehe !
    ...
   Đã bao lần rồi, cứ muốn quăng cái gì qua khung cửa thì y như rằng nó vướng ngay chấn song nhưng nếu cứ nhắm ngay chấn song mà ném thì nó lại lọt gọn ra ngoài. Híc híc!

    1. Nghe ông bà bảo ai có con mà biết trước cái số nó khó nuôi thì phải đặt cho nó cái tên thật xấu như Lượm, Cu, Hĩm... thậm chí còn bắt nó kêu cha là cậu, mẹ là mợ thì may ra mới nuôi đặn !

    2. Nhớ thời còn trai trẻ hễ yêu mê mệt cô nào thì y như rằng người ta lơ là, xem như không có ta tồn tại trên đời ! Những cô ta không yêu thích thì lại luôn lượn lờ trêu ngươi ! Híc !

    3. Thường giới tu hành, vô tâm lại có cơ đạt đạo hơn hữu trí

     'Bất chiến tự nhiên thành' chăng ?
     ...
     Đường đời thật lắm lúc 'chăm chăm ruộng lúa lại đặn nương ngô'.
     Tình trường cũng lắm khi 'tình chị mà lại duyên em !'
    Thế giới hiện nay không hiếm những đất nước luôn hô hào xây dựng một thiên đường trần thế rồi hướng cả dân tộc dốc sức nhưng đường đi như ngày càng thêm thăm thẳm !
     ...
     Biết sao được bạn nhỉ? 
     'Thánh nhân vẫn hay đãi khù khờ' mà khôn quá chi ta?
     ...
     Hãy cứ đặt cái đích sao cho vừa tầm tay vói, mỗi ngày ta cứ đạt đến một cái đích tầm tầm gần gần mà thôi!
     ...
      Hãy cứ như họ Trịnh từng ngân nga:
            'Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
             Chọn những bông hoa và những nụ cười
             Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy
             Để mắt em cười tựa lá bay
                                                    ...'