aqaqaqaqaq

aqaqaqaqaq
Là nơi lưu dấu với đời !

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Ta và địch !?




1. Hồi nhỏ ở nhà tranh vách đất nên có nhiều loài vật, côn trùng 'sống chung' như: Chim, chuột, dơi, ruồi, muổi, cóc, nhái, bò cạp, rít, gián, dế, kiến, giun... thậm chí thỉnh thoảng có cả rắn độc!
    Thế nhưng không biết tại sao bọn nhỏ chúng tôi chỉ quan tâm đến kiến. 
    Xem kiến đen là phe ta và kiến đỏ là địch! 
    Suốt ngày tìm đốt tổ địch rồi đem xác địch bỏ trước tổ ta, thích thú đốc thúc phe ta tha xác địch về tổ.

2. Sống trong khói lửa chiến tranh ở địa đầu giới tuyến. 
    Dần bọn chúng tôi đồng hóa kiến đen là VN, kiến đỏ là VC và vẫn miệt mài tiêu diệt kiến đỏ ưu ái kiến đen !
    Suốt tuổi ấu thơ ta và địch trong chúng tôi là thế.

3. Tuổi thơ mãi miết cùng kiến ta kiến địch cũng chóng qua. 
    Bom đạn cuộc chiến ngày càng khốc liệt.
    Chuyện ta và địch dần không còn là quy ước nữa, nó thấm dần và chi phối đời sống hằng ngày của mỗi chúng tôi. 
    Ban đầu qua các trò chơi giả lập chiến trận sau đó là một sự thật hoàn toàn: 
    Tổng động viên !
    Ở tuổi mười bảy, ngỡ ngàng với cái sự thật oái oăm: Ta sẽ là ta thật, địch cũng bằng xương bằng thịt thật, bắn thật, giết thật, chết thật ! Sẽ như thế thật...nhưng tại sao vậy ? 

4. May thay, cuộc chiến kết thúc trước khi chúng tôi làm ta thật.
    Và cái rủi đi kèm là: bên trước đây là ta thì nay là địch và bên địch nay lại là ta.
    Làm sao đây ? 
    Vậy sự thật ở đâu? 
    Đâu là ta đâu là địch đây!
    ...
5. Nhớ thần Kim Quy bảo Trọng Thủy: 'địch ngồi sau lưng ngươi đó'!
    Địch lại có thể là người thân yêu của ta ư?
    Người thân yêu của ta có xem ta là địch không ?

6. Lại nhớ xưa xem một phim về chiến tranh:
   Phim được kết thúc bằng cảnh chiều tàn trên một bãi chiến trường, ngổn ngang xác người, vương đầy khói súng, hai anh lính khác phe, hốc hác tả tơi tựa vai nhìn sâu vào mắt nhau, rồi như chợt ngộ ra điều gì, thân ái dìu nhau đi về phía chân trời xa thẳm!

7. Cuộc sống này cứ mãi địch ta, ta địch ư ? 
    Cứ phải mãi thế ư !
   ...
    Biết đến bao giờ ?







Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

London Bridge Tower, "The Shard"


                       

  • Tòa nhà do Renzo Piano thiết kế, có hình khối giống như một kim tự tháp nhưng sắc nét và tinh tế,  được giới kts miêu tả 'như một mảnh kính vỡ'.
  • Hình thức và tỷ lệ của tòa tháp cũng gợi hình ảnh ngọn tháp nhà thờ của thành phố hay cột buồm tàu buôn  trước đây dọc sông Thames l.
  • Cao 306m, thân thiện với môi trường và là tòa nhà cư trú cao nhất Tây Âu hiện nay.
  • Từ tầng 1 đến 3: không gian công cộng,  tầng 4 đến 31: văn phòng,  tầng 34 đến 36:  thư viện,  tầng 37 đến 52:  khách sạn Shangri-La với 185 phòng, tầng 52 đến 64 chứa 114 căn hộ ; tầng 65 đến 66 bố trí nơi ngoạn cảnh.
  • Mỗi tầng đều được thông gió tự nhiên  với cửa sổ có thể hoạt động như mái hắt.
  • Nhiệt lượng thừa của các văn phòng bên dưới được sử dụng để làm ấm các phòng khách sạn và căn hộ ở bên trên.
  • Mặt tiền của tòa nhà được cấu tạo hai lớp, do đó giảm được bức xạ mặt trời đồng thời tối ưu hóa việc chiếu sáng tự nhiên.
  • Rút kinh nghiệm của tháp đôi trong biến cố ngày 11 tháng 9, London Bridge Tower được thiết kế với mục tiêu ổn định vững bền và thoát người nhanh khi có sự cố.
  • Tòa nhà đã được chính thức khánh thành vào ngày 05 tháng 7 năm 2012.
     ---------------------------------------------------------------------------------------------------------

     Renzo Piano và kiến trúc của ông 

     Renzo Piano cropped.jpgRenzo Piano    
     Renzo Piano sinh ngày 14 tháng 9 năm 1937 tại Genoa (Ý) trong một gia đình theo nghiệp xây dựng, tốt nghiệp đại học năm 1964 tại trường Politecnico di Milano. Hiện có văn phòng tại Genoa, Paris và New York với 150 cộng tác viên.
      Công trình nỗi tiếng nhất của ông là Trung tâm văn hóa Georges Pompidou tại Paris (1971, cùng với Richard Rogers và Gianfranco Franchini). 
      Piano từng đoạt giải Pritzker nhờ những đóng góp của ông cho nền kiến trúc thế giới. Năm 2006 ông được Time bầu chọn là một trong 100 người làm thế giới bị ảnh hưởng nhiều nhất .
      Hà Nội cũng đã từng mời Renzo Piano tham gia (và đoạt giải) Nhà hát Thăng Long đặt ở Hồ Tây (2010).
      Nhà phê bình kiến trúc Nicolai Ouroussoff đã từng phát biểu về các công trình của Piano rằng: ' Kiến trúc trong sáng và thanh thản của Piano có sức làm cho bạn tin rằng chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh.'

  
Trung tâm văn hóa Georges Pompidou

                                               Nhà hát Thăng Long (dự án) tại hồ Tây - Hà nội.

Trung tâm văn hóa Tjibaou à Nouméa Nouvelle Calédonie


      

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Si !



Cà phê sáng
Nhấp ngụm thời gian
Cà phê cạn
Thời gian có tàn ?

Lang thang phố
Người xe lố nhố
Xôn xao lắm
Cuộc chơi mất còn ?

Ghé blog
Bạn bè lộc cộc
Vui buồn giận
Ảo thật biết chăng ?

Quay lại tôi
Tóc bạc da mồi
Hồi kết rồi
Sao mãi cuộc si !?






Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Thời gian !


 

"Ba đồng một mớ trầu cay
sao anh không hỏi những ngày còn không
giờ đây em đã có chồng
như chim vào lồng như cá cắn câu"
.....

    Ngẩm lại những câu ca dao trên có lẽ ai trong chúng ta cũng liên tưởng, tiếc nuối một vài sự lỡ dịp trong cuộc đời và tự hỏi:
    - Thời gian là gì ?
    - Phải chăng thời gian không có tính thuận nghịch ? (Chỉ trôi mãi theo một hướng: Quá khứ -> hiện tại -> tương lai)
.....

   1. Thời gian là diễn biến chuyển động của vật chất được định nghĩa bởi con người:
- Năm là thời gian mà quả đất quay được một vòng quanh mặt trời.
- Tháng là thời gian để mặt trăng lại tròn (tháng Âm lịch).
- Ngày là thời gian để mặt trời lại mọc.
-  ...

    2. Thời gian là khái niệm được con người định ra và luôn gắn liền với diễn biến chuyển động của vật chất, phụ thuộc vào chuyển động của vật chất:
-        Thời gian không hiện hữu đối với một vũ trụ bất động nếu có. 
-        Một vật chuyển động càng nhanh thì thời gian trôi trên đó càng chậm và ngược lại. Điều này đã được xác minh qua các máy đo chính xác trên các tàu du hành vũ trụ gần đây.
    Vậy thời gian trôi nhanh hay chậm trên một vật thể tùy thuộc hoàn toàn vào vận tốc của vật thể đó có được. 

    3. Theo Albert Einstein (thuyết tương đối) thì vận tốc tối đa trong vũ trụ của chúng ta là vận tốc của ánh sáng (khoảng 300.000 km/giây).
    Vậy khi một vật thể có vận tốc tiệm cận với vận tốc ánh sáng thì thời gian trên vật thể đó dần vào trạng thái dừng trôi và thời gian sẽ là zero trên vật thể đó khi nó đạt vận tốc của ánh sáng!
    Nhưng theo trên, thời gian có nguồn gốc từ sự chuyển động, không có chuyển động thì thời gian cũng không thể có, vậy ở đây xuất hiện bất hợp lý chăng?
   (Theo tôi thì không có bất hợp lý ở đây vì rằng: 'Không có' rất khác với 'zero' như không có tập hợp rất khác với tập hợp rỗng vậy !)

    4. Tóm lại:
-        Khi một vật thể đứng yên thì thời gian chưa có trên vật thể đó.
-        Thời gian sẽ phát sinh khi vật bắt đầu chuyển động.
-        Vật chuyển động càng nhanh thì thời gian trôi trên nó càng chậm.
-        Thời gian bằng không trên một vật chuyển động với vận tốc ánh sáng. 
     Vậy cũng rất có thể thời gian thực chất không ‘trôi mãi thế này ư!’ như Khổng tử đã ta thán cách đây gần ba ngàn năm !

    5.  Có cách nào để đi nhanh hơn vận tốc ánh sáng không? Lúc đó thời gian có chuyển chiều thành âm không ?
      Có thể nào ngược giòng thời gian trở về quá khứ nhằm sửa chữa những lỗi mà nay ta đang hối tiếc ! (ví dụ: để chạy mua ‘Ba đồng một mớ trầu cay’ chẳng hạn !).
.....
     Có thể không nhỉ ?
     Theo bạn thì sao ?
     Bạn có quay về quá khứ nếu được ‘phép’ không ?
     Nếu đến được một thời điểm nào đó ở quá khứ thì bạn làm điều gì trước tiên ?